blog

11

Th09

Tính tự giác trong sinh hoạt cho trẻ

1. Con trẻ như một tờ giấy trắng

Ba mẹ viết gì, vẽ gì sẽ thành người như thế ấy khi con lớn lên. Vì vậy, để con trở thành một người có nếp sinh hoạt tích cực, lối sống lành mạnh, hiểu lẽ, khôn ngoan, độc lập trong tương lai, ba mẹ cần tập cho trẻ thói quen tự giác ngay từ nhỏ nhé.

Không ít ba mẹ dạy con về tính tự giác bằng cách nói với bé là con phải tự biết đi đánh răng mỗi buổi sáng, dọn dẹp đồ sau khi chơi, tự mặc quần áo, tự lấy vở ra học bài,... không thì sẽ bị phạt, bị “cho một trận”, bị con chuột con cóc nó cắn,...
Tuy nhiên, điều này đôi khi chỉ giúp ba mẹ hả dạ và giải quyết tình thế chốc lát, nhưng lại vô tình làm sai lệch nhận thức và tư duy non nớt, đơn giản của trẻ. Con có thể sẽ khóc lóc phản đối, hoặc sẽ làm chỉ khi ba mẹ nhắc nhở nhiều lần, bị phạt, bị giám sát, bị dọa nạt... mà mất đi cơ hội để hiểu rằng “con làm như vậy là tốt cho chính con, và con có trách nhiệm cần làm điều đó”... Vì vậy, đây chưa phải là rèn luyện tính tự giác cho con một cách đúng đắn.

2. Vậy rèn luyện tính tự giác cho con bằng cách nào?

Ba mẹ có thể biến những việc làm hằng ngày thành trò chơi. Ví dụ, có thể cho con chơi các trò như “mèo con rửa mặt”, “thỏ con ăn giỏi”, “xem ai nhanh hơn”, “ai ngăn nắp gọn gàng hơn”..., các bé chắc hẳn sẽ rất thích và hưởng ứng nhiệt tình đó ba mẹ à.
Tuy nhiên, bên cạnh những trò chơi vui nhộn ấy, ba mẹ cũng cần đưa ra những nguyên tắc khi rèn luyện tính tự giác cho con. Ba mẹ cần phân tích và chỉ hướng cũng như cho con có quyền được lựa chọn, lưu ý không phải chọn giữa “không” và “có”, mà là chọn giữa việc thực hiện như thế này hay như thế kia, hoặc hoàn thành việc gì trước rồi làm việc gì sau. Việc lựa chọn sẽ giúp bé tự tin hơn, biết nhìn nhận đánh giá sự việc và đưa ra ý kiến, quyết định của mình.
Ở giai đoạn đầu, ba mẹ cần tập cho con từng bước cơ bản để con biết cách làm những việc như đánh răng, gấp quần áo, mặc quần áo, tự ăn cơm,... Khi bé đã tự làm được, ba mẹ lưu ý nên để trẻ tự làm, cả khi con có làm sai hay làm với khoảng thời gian quá lâu. Luôn quan sát, cổ vũ và ghi nhận sự nỗ lực của con.

3. Ba mẹ cần kiên trì cùng con

Không nên vì lý do không chịu nổi sự chậm chạp hay vụng về của con mà làm giúp con ba mẹ nhé! Đồng thời, trong quá trình rèn luyện, ba mẹ cần đảm bảo tính nhất quán, phải có sự thống nhất về thời gian và cách thức thực hiện. Các hoạt động cần có sự đều đặn liên tục và phù hợp mới hình thành nên thói quen được.
Khi con đã “thành thạo” các việc cá nhân và tự giác thực hiện mỗi ngày, ba mẹ có thể từng bước cho con tham gia vào các hoạt động giúp đỡ ba mẹ như dọn dẹp, lau nhà, nấu ăn, giặt quần áo,... Có thể nhờ con phụ giúp khi đang làm, rồi hướng dẫn thêm cho con để con biết thêm nhiều hơn, từ đó dần dần con sẽ được rèn luyện thói quen biết tự giác giúp đỡ, chia sẻ công việc với người khác.
Đặc biệt, ba mẹ cần làm gương cho con và luôn ở bên cạnh con để nhắc nhở, động viên, ghi nhận, khen thưởng con đúng lúc. Khi con làm tốt, ba mẹ nên khen ngợi để khích lệ tinh thần con.

4. Khi trẻ làm sai, ba mẹ không nên chê bai mà cần động viên, khuyến khích

Chẳng hạn như “Ba mẹ tin con của ba mẹ sẽ làm tốt hơn vào lần sau”, “Ba mẹ tin con sẽ làm được”, “Con là cô bé/cậu bé gọn gàng/tự lập/hiểu lẽ…” Bé sẽ cảm nhận được tình yêu thương của ba mẹ dành cho mình và luôn nỗ lực để làm thêm nhiều điều tốt đẹp đó ba mẹ à!
Để hình thành nên những thói quen tốt ở con, không thể vội vàng trong một sớm một chiều mà cần lắm ở ba mẹ sự kiên trì, tấm lòng bao dung, tình yêu thương vô bờ bến cũng như tri thức đúng đắn để chỉ hướng con từ những năm tháng bé thơ. Hãy bên con và cho con một tuổi thơ hạnh phúc, một cuộc đời đầy ý nghĩa, đáng sống ba mẹ nhé!

Chia sẻ bài viết