blog

11

Th09

7 thói quen của giáo viên không chuyên nghiệp

Mỗi giáo viên có một phong cách giảng dạy khác nhau, tuy nhiên điều mong muốn của các giáo viên đều hướng đến những giờ học hiệu quả và tạo dựng được hình ảnh chuyên nghiệp cho bản thân mình. DoSkills sẽ chỉ ra 07 thói quen các thầy cô giáo thường mắc phải làm mất đi hình ảnh chuyên nghiệp của giáo viên để hoàn thiện và khắc phục trong bài viết sau:

1. Không có sự chuẩn bị

Hầu hết các giáo viên không chuyên nghiệp lại luôn cho rằng mình đã có sự chuẩn bị, thậm chí là chuẩn bị chu đáo cho các bài dạy nhưng khi bắt đầu giờ dạy sẽ có khá nhiều sự cố phát sinh mà giáo viên không thể chủ động và giải quyết rất luống cuống. Chuẩn bị ở đây phải được hiểu là sự sẵn sàng của tất cả các yếu tố để đảm bảo tiết học có thể thành công và tránh được những rủi ro không đáng có bao gồm cả giáo án, điều kiện phòng ốc, máy chiếu, các đồ dùng thiết bị dạy học… Quan trọng hơn là sự chuẩn bị về tâm thế, dự đoán các tình huống có thể nảy sinh trong tiết học, sự hỗ trợ cho học sinh với các trình độ nhận thức khác nhau, những cách để phản hồi hiệu quả đến học sinh… Dù mới đứng lớp hay đã giảng dạy lâu năm, để trở thành một giáo viên chuyên nghiệp các thầy cô giáo luôn phải chú ý về việc chuẩn bị trước giờ học thật tốt.

2. Không nhớ các thông tin cơ bản của học sinh

Khi đứng trên bục giảng, đặc biệt khi thầy cô đảm nhiệm vai trò chủ nhiệm lớp hãy tìm cách để ghi nhớ thật nhanh tên học sinh của mình và gọi bằng tên của chúng thay vì “em kia” “bạn mặc áo xanh” “bạn ngồi bàn cuối”. Nếu có thể, thầy cô hãy nhớ thêm những thông tin về nền tảng gia đình, sở thích, cá tính của học sinh, chắc chắn học sinh sẽ vô cùng ấn tượng về thầy cô và sẵn sàng hợp tác tự nguyện trọng các hoạt động.

3. Cố gắng làm bạn với học sinh bằng mọi cách

Là giáo viên, thầy cô giáo cần nỗ lực để hiểu và xây dựng mối quan hệ với người học, nhưng việc cố gắng “lấy lòng” hay “làm bạn” với học sinh lại khiến thầy cô giáo trở thành người kém chuyên nghiệp trong công việc. Đừng cố gắng chiều mọi yêu cầu từ học sinh hoặc luôn sử dụng quà để dẫn dụ cho học sinh tham gia các hoạt động tại lớp học. Nếu học sinh dần quen với việc được nuông chiều sẽ không còn sự tôn nghiêm khi đến lớp, thay vào đó là sự đòi hỏi hoặc phải có thỏa thuận thì tiết học mới diễn ra tốt đẹp. Thầy cô hãy lưu ý và hạn chế hành động này để đảm bảo sự chuyên nghiệp trong lớp học mình phụ trách.

4. Không thực hiện những điều mình đã hứa

Không chỉ trong việc giảng dạy mà tất cả các hoạt động hàng ngày nếu các thầy cô đã hứa với học sinh, đồng nghiệp hay phụ huynh đều phải thực hiện. Nếu thầy cô nói với học sinh rằng chúng sẽ được nhận phần thưởng hay điểm số sau khi hoàn thành hoạt động, hay đưa ra đáp án cho một câu hỏi khó học sinh vô tình hỏi thì hãy đáo ứng tất cả những hoạt động đó. Với phụ huynh hay đồng nghiệp nếu thầy cô đã hứa sẽ đưa ra báo cáo, đánh giá về tình hình học sinh hãy hoàn thành đúng hạn và chủ động thông báo đến người mình hứa. Sự thiếu nhất quán, hứa làm một việc và sau đó lại làm việc khác, hoặc tệ hơn là quên hoàn toàn, sẽ biến thầy cô trở thành một giáo viên rất thiếu chuyên nghiệp trong mắt tất cả mọi người.

5. Biện hộ với lý do “giáo viên mới”

Bất kỳ giáo viên nào cũng sẽ có khoảng thời gian chập chững vào nghề nhưng khi đứng trước họ sinh ngay cả khi là người mới thầy cô không cần phải tiết lộ đầy đủ điều đó với học sinh của mình. Đừng bắt đầu một lớp học bằng cách nói: “Thầy/cô là giáo viên mới, có gì các em thông cảm cho thầy cô nhé”. Hãy bắt đầu tiết học một cách chuyên nghiệp, hãy dũng cảm thừa nhận khi mình mắc sai lầm và hãy mạnh dạn sửa sai, làm lại. Đừng bao giờ đem lý do “thầy/cô là giáo viên mới” để biện hộ cho bản thân, vì học sinh sẽ nhìn thấy ở đó một người giáo viên kém chuyên môn và luôn lấy lí do để bao biện mà thôi.

6. Đánh giá thấp khả năng của học sinh

Trong lớp học nào cũng có những học sinh thông minh, có ý tưởng sáng tạo, việc giáo viên đánh giá thấp năng lực của chúng bằng nững thông điệp như “Em sẽ không làm được đâu” hay “Điều em làm hoàn toàn không hợp lý” không chỉ làm mất đi sự tò mò và động lực học tập mà còn khiến bạn trở thành một người giáo viên “kém chuyên nghiệp”. Khi thầy cô đánh giá thấp học sinh, cũng có nghĩa là thầy cô đang đánh giá cao bản thân mình, hãy điều chỉnh sự đánh giá đúng vào thực lực của học sinh để những tiết học trở nên không nặng nề và hiệu quả.

7. Bừa bộn và lộn xộn

Sự lộn xộn của giáo viên là điểm trừ cực kỳ đáng tiếc nếu duy trì trong sự nghiệp giảng dạy. Các thầy cô giáo hãy đảm bảo rằng mình luôn biết được vị trí của các tài liệu cần sự dụng, quá trình thực hiện của học sinh được lưu lại theo lộ trình nào, làm sao để lớp học của bạn luôn gọn gàng sạch sẽ… Đặc biệt giáo viên hãy chú ý đến trang phục của mình khi giảng dạy, tránh việc xuất hiện trước học sinh với một chiếc áo nhàu nhĩ hay một chiếc váy lấm bẩn, việc khắc phục sự bừa bộn cần chú ý từ những tiểu tiết nhỏ nhất.
Sự nghiệp giáo dục cần có thời gian để định hình cũng như hoàn thiện, tuy nhiên sự chuyên nghiệp lại được bắt đầu từ những ngày đầu tiên giảng dạy. DoSkills hy vọng những chia sẻ trên đây sẽ giúp thầy cô giáo nhận biết được những điểm chưa hoàn thiện của mình để thay đổi, từ đó trở thành một giáo viên chuyên nghiệp cả trong tác phong và chuyên môn giảng dạy.

Chia sẻ bài viết